logo
Trang chủ TIN TỨC & SỰ KIỆN

Thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm - giải pháp cho thay thế tương lai

08/10/2024 12:00 - Xem: 76

Gần đây, ngành công nghiệp thực phẩm thế giới xuất hiện xu hướng “thực phẩm nuôi cấy". Đây là phương thức phát triển thịt thực phẩm không qua các phương thức chăn nuôi và giết mổ truyền thống… Nhằm giảm thiểu tác động với môi trường và góp phần cải thiện an ninh lương thực, thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đã được nghiên cứu và đã chính thức được cấp phép bán tại Singapore năm 2020. Tháng 6/2023, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cấp phép cho hai công ty khởi nghiệp Good Meat và Upside Foods bán thịt gà nuôi cấy, đưa Mỹ trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới cho phép bán thịt nhân tạo cho người tiêu dùng.

Phương thức nuôi cấy được mô tả như sau: đầu tiên, các nhà khoa học lấy tế bào bằng phương pháp sinh thiết không gây hại từ động vật sống, từ trứng đã thụ tinh hoặc một ngân hàng đặc biệt nơi các tế bào được lưu trữ. Các tế bào có khả năng sinh sản nhanh nhất sẽ được chọn để đưa vào các bình thép lớn được gọi là lò phản ứng sinh học. Bên trong là dung dịch chứa các chất dinh dưỡng như muối, protein và carbonhydrate để tế bào phát triển. Ở nhiệt độ thích hợp, các tế bào được nuôi cấy sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân. Sau vài ngày hoặc vài tuần, thịt được lấy ra khỏi lò, từ đó được tạo hình thành thịt cốt lết, hoặc xúc xích. Không còn gì phải chờ đợi nữa, thịt đã sẵn sàng để nấu và thưởng thức.

Do được sản xuất trong môi trường vô trùng nên thịt nuôi cấy ít nguy cơ nhiễm các bệnh và hóa chất. Thành phần dinh dưỡng của thịt nuôi cấy và thịt tự nhiên được đánh giá là giống nhau, thậm chí thành phần dinh dưỡng của thịt nuôi cấy còn có thể được điều chỉnh, như giảm chất béo bão hòa và cholesterol, hay tạo ra nhiều vitamin hoặc chất béo lành mạnh hơn trong sản phẩm. 

Tuy nhiên, hầu hết người dùng hiện nay khi nhắc đến thịt vẫn luôn có xu hướng liên tưởng về các trang trại. Do đó, họ còn nhiều hoài nghi về tính an toàn và hương vị của các loại thịt nhân tạo. Trong cuộc thăm dò của AP-NORC, chỉ 18% người trưởng thành ở Mỹ cho biết họ muốn ăn thử thịt trong phòng thí nghiệm. 30% người tham gia khảo sát cho biết họ còn phân vân. Công ty Tư vấn quản lý McKinsey & Company dự báo hàng triệu tấn thịt nhân tạo có thể được sản xuất vào năm 2030. Tuy nhiên, con số đó có thể vẫn không đủ để bù đắp lượng thịt động vật được tiêu thụ ngày càng tăng hiện nay.

<st>

Tin bài: Trịnh Thị Chung

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
tvts
tvts
TS1